Giá lúa đang có lợi cho nông dân, trong bối cảnh các ngành nghề khác bị đình trệ vì dịch bệnh thì nông nghiệp chính là bệ đỡ vững chắc.
Lúa lại xanh đồng
Ông Nguyễn Ngọc Hè, GĐ Sở NN-PTNT TP Cần Thơ nhận định, sản xuất lúa ở TP Cần Thơ và các tỉnh khác tại ĐBSCL diễn ra quanh năm, luôn đáp ứng nhu cầu trong nước và còn để xuất khẩu.
Điển hình như năm nay, trong điều kiện khó khăn về thời tiết nhưng vụ lúa ĐX của Cần Thơ thắng lợi lớn cả hai mặt về giá bán và năng suất tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Hiện toàn thành phố đã thu hoạch được 79.213ha, chiếm 99% diện tích xuống giống, năng suất ước đạt 72,17 tạ/ha, cao hơn cùng kỳ 1,2 tạ/ha.
Theo ông Hè, ở Cần Thơ từ sau tết đến nay tình hình hạn, mặn không ảnh hưởng nhiều đến việc SX nông nghiệp của địa phương. Sau khi kết thúc vụ lúa ĐX, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương khẩn trương cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng xuống giống vụ tiếp theo.
Đến nay, thành phố đã xuống giống lúa HT trên 63.000ha, chiếm trên 83% kế hoạch. Lúa HT sớm đã qua giai đoạn mạ vượt lên xanh đồng.
Các huyện Thới Lai, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thốt Nốt… nông dân vào vụ sớm, lúa không bị ảnh hưởng bởi mùa khô hạn. Địa phương tăng cường công tác thủy lợi, nạo vét kênh nội đồng, dự trữ nước phục vụ sản xuất lúa HT 2020, hứa hẹn mùa thắng lợi mới. Trong vòng hơn 2 tháng nữa, Cần Thơ lại có lúa thu hoạch.
Tại An Giang, ông Nguyễn Sĩ Lâm, GĐ Sở NN-PTNT cho biết: Nếu ngưng XK gạo ở thời điểm này sẽ gặp khó khăn cho các tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn như An Giang. Trước mắt ngành nông nghiệp An Giang nắm tình hình DN và tiểu thương thu mua lúa gạo trong tỉnh xem có vướng mắc trở ngại gì sau đó báo cáo UBND tỉnh làm đề xuất đến Chính phủ.
Theo ông Lâm, lúa ĐX ở An Giang đã thu hoạch được 190.000/229.392 ha, ước sản lượng cả vụ đạt gần 1,682 triệu tấn, tăng 22,6 ngàn tấn so với cùng kỳ năm trước. Lúa ĐX thu hoạch xong, khẩn trương làm đất xuống giống vụ HT. Tính mỗi năm, An Giang có khoảng 630.000ha lúa, cho sản lượng trên 4 triệu tấn.
Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay làm nảy sinh tâm lý người tiêu dùng mua gạo tích trữ, các thương lái cũng theo đó đầu cơ. Quyết định tạm ngưng xuất khẩu ảnh hưởng ngay đến giá lúa gạo, nhưng những lúc như thế này doanh nghiệp cũng như người dân cần tuân thủ quyết định của Chính phủ.
Theo ông Thòn, doanh nghiệp sẵn sàng đồng lòng và chia sẻ cùng Chính phủ để đảm bảo an ninh lương thực. Chúng tôi xin kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xem xét bổ sung thêm hộ kinh doanh cá thể và gia đình vào đối tượng được miễn kê khai nộp thuế giá trị gia tăng 5% theo như Nghị định 209/2013/NĐ-CP cho sản phẩm gạo thương hiệu nội địa.
Như vậy đông đảo người tiêu dùng sẽ tiếp cận với gạo thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc, vừa yên tâm về nguồn cung vừa đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, người nông dân SX theo quy trình chất lượng cao được đảm bảo tiêu thụ, an tâm SX.
Thị trường xuất khẩu gạo đang rất tốt
Ông Nguyễn Trung Tín, Giám đốc Cty CP Nông nghiệp Phan Minh Kiên Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường đầu ra xuất khẩu gạo của Việt Nam rất tốt.
Hiện chúng ta đã vượt qua Thái Lan, trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Giá gạo của Việt Nam xuất cũng ở mức khá cao, từ đó nông dân thu hoạch bán được giá.
Theo ông Tín, năm nay đơn vị có kế hoạch xuất khẩu từ 100-150 ngàn tấn gạo. Nhờ tín hiệu thị trường tốt nên chỉ trong quý I/2020, đơn vị đã xuất khẩu đạt tới 70% kế hoạch của cả năm, một tín hiệu rất lạc quan.
Tuy nhiên, ngay sau khi có thông tin Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo, đã tác động đến giá lúa gạo trong nước. Cụ thể là 2 ngày qua giá gạo nguyên liệu đã giảm khoảng 200 đồng/kg. Trong khi đó, một số nơi ở ĐBSCL, nông dân vẫn đang thu hoạch lúa ĐX, ít nhiều đã ảnh hưởng đến thu nhập của họ.
Giá lúa tiêu thụ tốt, có lợi nhuận cao nên ngay sau khi thu hoạch lúa ĐX xong, nông dân đã tranh thủ xuống giống lúa HT sớm. Cụ thể, tại Kiên Giang đã có khoảng 35.000 ha lúa HT đã được xuống giống, đang phát triển tốt.
Ông Nguyễn Thành Được, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Giang Thành cho biết, vụ HT 2020 huyện có kế hoạch xuống giống khoảng 29.000 ha.
Đến nay, đã có 13.000 ha xuống giống xong, lúa đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh (từ 10-30 ngày). Đây là diện tích sản xuất lúa 3 vụ/năm của huyện, nông dân cần xuống giống sớm để tiếp tục làm vụ lúa thu đông và thu hoạch trước khi nước lũ đổ về.
Với diện tích lúa hè thu sớm này, chỉ khoảng hơn 2 tháng nữa, nông dân Giang Thành sẽ có hàng trăm ngàn tấn lúa nguyên lệu cung cấp cho thị trường.